Nếu bạn có một đứa con còi

08/01/2020

Nếu bạn có một đứa con còi, bạn sẽ phải quen dần với việc bị nghe những lời chê trách như “sữa mẹ nóng, sữa mẹ không thơm nên con không tăng cân”. Nếu con đã cai sữa, đang ăn cháo, ăn cơm thì họ lại khuyên “phải dỗ con ăn nhiều vào, bọn trẻ con không ép là nó không ăn đâu” hoặc “mua thêm sữa ngoài, sữa cho trẻ tăng cân kém hấp thu, hoặc cho đi khám dinh dưỡng, uống thuốc bổ đi”.

Nếu bạn có một đứa con còi, bạn sẽ phải thật bình tĩnh khi con bị đem ra so sánh với trẻ hàng xóm. “Nhìn con nhà hàng xóm kia kìa, trẻ con phải mập tròn mới dễ thương. Nhìn bé mới 2 tháng tuổi bự chưa, con người ta mới 2 tháng mà bằng con mình 6 tháng rồi”.

Nếu bạn có một đứa con còi, bạn sẽ phải “chống lại cả thế giới” khi liên tiếp hết ông bà nội đến ông bà ngoại, và bao gồm cả chồng bạn thúc giục bạn mau mau cho con ăn dặm sớm để tăng cân, tìm sữa ngoại khác cho con, tìm thuốc bổ, thuốc tăng cân nặng, men vi sinh giúp con ngon miệng…vì con “còi” quá tội nghiệp con.

Nếu bạn có một đứa con còi, mọi hoạt động cười đùa vui vẻ, linh hoạt nhanh nhẹn của con bạn hầu như không ai quan tâm. Con bạn nhanh lẫy, nhanh bò, nhanh ngồi, nhanh nói…đều không quan trọng bằng việc “tháng này tăng bao nhiêu cân, giờ được mấy cân rồi”.

Nếu bạn có một đứa con còi, con bạn nặng 4-5kg hơn so với chuẩn WHO thì được khen “sữa mẹ nên con bụ bẫm đáng yêu quá, mẹ chăm con khéo quá”, nhưng thiếu 1kg so với chuẩn thì “100% là suy dinh dưỡng nặng rồi”.

Nếu bạn có một đứa con còi, thì áp lực làm mẹ của bạn tăng gấp đôi, gấp ba so với những mẹ có con “bình thường”. Người nhà, chồng, bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ, hàng xóm, những người xung quanh sẽ dán nhãn bạn là “mẹ không biết chăm con”, chừng nào con bạn vẫn còn “còi”. Nghe lâu quen dần, rồi có một ngày bạn cũng nghĩ rằng mình không khéo chăm con thật.

Nếu bạn có một đứa con còi, thì hãy luôn nhớ : “Ở Việt Nam, nếu ai nói con của bạn còi nghĩa là bé bình thường, bé bình thường nghĩa là bé vừa cân, ai nói bé bụ bẫm dễ thương nghĩa là bé béo phì”.

Theo chuyên gia chăm sóc trẻ nhỏ, bé sơ sinh trong 3 tháng đầu tăng cân nhanh và nhiều nhất, khoảng từ 700 gr – 1kg. Từ 6-12 tháng trẻ tăng cân chậm lại. Từ 1 tuổi đến dậy thì tăng rất chậm, mỗi năm chỉ tăng 1-2 kg. Đánh giá dinh dưỡng của bé dựa vào chiều cao và vòng đầu, không nên chỉ dựa vào cân nặng. Để xác định bé suy dinh dưỡng hay không cần theo dõi trong 1 khoảng thời gian dài cùng các chỉ số khác, chứ không thể dựa vào cân nặng trong thời điểm ngắn mà vội vàng kết luận.
Đừng ép con ăn chỉ vì áp lực cân nặng, hãy để cho con có cái niềm vui được tận hưởng, khám phá mùi vị của từng món ăn. Chứ không phải là ăn một tô cháo đầy ứ, vừa ăn vừa xem ti vi, điện thoại hay nghịch đồ chơi.

Cũng đừng vì áp lực con còi, mà bổ sung bừa bãi thuốc kích thích ngon miệng, tăng cân cho con. Vẫn còn nhớ có bài báo viết về một trường hợp bé gái được cho là biếng ăn, và mẹ mua thuốc bổ cho bé uống, mỗi ngày 3 muỗng cà phê. Sau khi bé uống vài ngày, từ một bé không thèm ăn gì, biến trở thành một bé cái gì cũng ăn, ăn háo hức, đòi ăn không ngớt. Kết quả là sau một tháng tăng hơn 2kg. Ngưng thuốc là biếng ăn lại ngay, nhưng uống lại là lại ăn nhiều và tăng cân.

Sau đó người mẹ đó quá lo lắng và đưa đến phòng khám. Qua chẩn đoán, bé gái đó mắc hội chứng Cushing ( một chứng bệnh rối loạn nội tiết tố hiếm gặp xảy ra khi mô cơ thể tiếp xúc với quá nhiều lượng cortisol trong máu) khiến rậm lông, gù mỡ ở lưng, mặt tròn căng, hai má đỏ, vú to, mập trung tâm. Bác sĩ chuyên khoa cho biết: “Corticoid khi uống liều cao kích thích ăn uống rất nhanh và nhiều, nhưng uống liều cao kéo dài không đúng chỉ định sẽ có thể gây các hệ quả sức khỏe lâu dài không mong muốn, cho hệ cơ xương, tim mạch và nội tiết. Điều đáng nói là ngay cả trước khi tăng cân vì thuốc, cân nặng của bé đã rất tốt, ở ngưỡng cao theo dõi dư cân. Ban đầu bé thật sự không cần tăng cân, chỉ cần theo dõi tập thói quen ăn uống khỏe mạnh cân bằng”.

Bởi thế nếu bạn có một đứa con “còi”, thì hãy thật tỉnh táo. Hãy đo vòng đầu của con thay vì chỉ nhìn vào cái cân.
Đừng so sánh sánh con mình với con nhà hàng xóm, cũng đừng so sánh bản thân mình với những người mẹ đang nuôi con “mập mạp” khác, cũng đừng chê bai một em bé nào, trách cứ một bà mẹ nào, bởi chỉ làm mẹ thôi đã quá áp lực và căng thẳng rồi.

Cre: Sưu tầm

 

 

 

Posted in Góc tâm sự by rin
Tư vấn Online